Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu khi công nghệ đang ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân khi sử dụng các dịch vụ hiện đại ngày càng cao. Đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực: y tế, điện, nước, giáo dục, viện phí, chi trả dịch vụ an sinh xã hội thì phương thức thanh toán tiền qua ngân hàng đã mang lại lợi ích “kép”, không chỉ góp phần tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch mà còn đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.
Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, quy định rõ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
Nghị định bao gồm 07 Chương và 38 Điều trên cơ sở nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với các cam kết, thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; bảo đảm tính khả thi, gắn với thúc đẩy ứng dụng công
nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, hiện đại và kế thừa những nội dung còn phù hợp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, khắc phục một số tồn tại, hạn chế tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của
Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, một số nội dung chính sách lớn đã được thể chế hoá bằng quy định cụ thể tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP.
Nghị định đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money); trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử, quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước. Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ vĩ điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng). Bên cạnh đó, Nghị cũng bổ sung quy định về thanh toán quốc tế, trong đó quy định vai trò quản lý Nhà nước của Ngân hàng nhà nước đối với thanh toán quốc tế; quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế; quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu, chi theo quy định của pháp luật; quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động
thanh toán không dùng tiền mặt; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế… Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Bắc Kạn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, những năm qua, các sở, ngành và các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã tích cực phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và đơn vị trung gian thực hiện tốt các giải pháp về thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh đã thực hiện chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cài đặt, sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssIDViệc sử dụng hoá đơn điện tử được Cục Thuế tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện hoá đơn điện tử đối với mặt hàng xăng dầu. Đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thông qua phương thức điện tử; 100% tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, góp phần hạn chế lưu thông tiền mặt trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và giảm thiểu chi phí, thời gian của xã hội liên quan đến tiền mặt; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện việc mở tài khoản cá nhân để nhận hỗ trợ thông qua tài khoản, tiến tới thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện. Đến nay có 121/282 cơ sở giáo dục, đạt 42,9 %, tăng 37 cơ sở (12,3%) so với năm 2023. 1. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại bệnh viện cấp tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố đạt từ 20-25%.
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông – công nghệ thông tin và các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân tạo tài khoản ngân hàng/tạo mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt và cài đặt các ứng dụng số thiết yếu.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực, hiện đại hóa các quy trình, tạo thuận lợi, tiện ích trong việc tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, vừa đảm bảo an ninh – an toàn tiền tệ cho người tiêu dùng lẫn cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các đơn vị cũng phối hợp đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường công tác phối hợp giữa hệ thống ngân hàng tỉnh với các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan, địa phương để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Chi, thu, nộp ngân sách nhà nước, thanh toán dịch vụ công, học phí, viện phí, điện, nước, viễn thông, chi trả lương qua tài khoản … đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, thúc đẩy chuyển đổi số.